8.12.09

Nước biển dâng

Các bạn đọc báo, nghe nói về biến đổi khí hậu, băng tan, và nước biển dâng. Thế có ai nghĩ là nó dâng thiệt hông? Và thấy nó chưa?

Tui thấy nó dâng cả mười mấy năm qua. (nổ quá!)

Hồi nhỏ, nhỏ đến nỗi còn ngồi giữa trên chiếc Honda 70, tui thấy con đường về Mũi Né nằm sâu trong đất liền. Giờ đây, dừa bị sóng đánh bật gốc, đến mức người ta phải làm kè xi măng chạy dọc bờ biển.

Hồi xưa, ở bãi biển quê tui, muốn ra mép nước phải lội qua bãi cát hơi rộng rộng. Bây giờ biển lấn vô cả mấy chục thước. Người ta nói, biển lấy cát đi rồi mùa sau biển đem cát về. Có lẽ bây giờ biển lấy cát đi ...luôn.

Phan Thiết, dự án đê vải bơm cát chắn sóng hoàn thành nham nhở. Sóng phủ qua đầu, đánh xì ruột bao vải. Hàng xi măng đá chẻ mới hôm nay thẳng thớm, ngày mai dòm như con rắn. Cũng năm nay, tui coi bờ kè khách sạn Novotel cầm cự được bao lâu.

Ở xì goòng, triều cường mỗi năm là có mỗi đỉnh lịch sử. Miền Tây, nước mặn vô tận 40 km.

Rõ ràng nước biển dâng.

Làm gì bây giờ?

Vài chục năm nữa, Việt Nam ta sẽ mất đất nhiều. Dân miền Tây bỏ của chạy lấy người lên miền Đông sống. Lúa gạo sẽ thiếu hụt vì mất ruộng. Kết hợp đất đai đô thị hóa, lẫn số miệng ăn vượt lên quá 100 triệu, Việt Nam đang lo. Thành phố HCM và đô thị vệ tinh như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Củ Chi, Thủ Dầu Một trong vài thập niên tới sẽ chịu áp lực lớn từ sự di dân. Bất động sản sẽ trở thành vấn nạn khi vốn căn nguyên từ đô thị hóa nay cộng hưởng với di dân "biến đổi khí hậu". Những đô thị như TPHCM có khả năng phải vứt bỏ, vì các "của nợ" đang trở nên chồng chất đến mức không giải quyết nổi.

Cũng may, hội nghị ở Copenhagen được báo chí loan tải nhiều. Vedan - Thị Vải là vấn đề nóng. Người ta bắt đầu biết tới hai chữ môi trường là gì. Cuộc sống ngày càng khó khăn, môi trường lụn bại tới mức khiến con người ta biết dừng lại suy nghĩ.

Còn bạn, có khi nào tỉ mỉ quan sát cuộc sống chính mình, xem ta làm hại môi trường như thế nào chưa?

Ví dụ hen:

1. Thèm nước mía. Mua một bịch. Uống xong, quăng cái bịch có ống hút và cọng thun vô thùng rác. Bạn thải ra môi trường ba thứ khó phân hủy.

2. Bạn đi chợ, xách về 6 bịch nilon lớn lẫn nhỏ. Tất nhiên, hiếm ai rửa xài lại.

3. Bạn leo xe máy và lướt vởn vơ ngoài đường. Thử xem mình thải bao nhiêu SOx vào không khí.

4. Thèm hải sản, bạn mua về bỏ tủ lạnh đông cứng. Lúc ăn, lại đem bỏ vào lò vi sóng hoặc ga để đun nấu. Bạn tiêu tốn năng lượng gấp đôi chỉ bời vì sở thích hoặc do lười biếng. Đúng không?

5. Công ty bạn bật máy lạnh đến mức độ phải mặc áo ấm. Hàng trăm ngàn cao ốc đang làm kiểu như thế, và tạo ra thứ nóng nhân tạo bên ngoài. Thiết nghĩ, thấy vô lý khi ta làm mất cân bằng tự nhiên.

6. Bạn sắm áo quần thật nhiều để diện. Báo hại người ta phải tốn nước để giặt, tốn điện để ủi. Nước đang thiếu. Điện, người ta đang sốc vì thủy điện đấy!

.....

Úi, suy cho cùng, do sự làm biếng và sự "thích thú" của nhân loại mà ra hết nhỉ. Thế là biết phải thay đổi từ đâu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét