27.2.13

Hiền minh của rừng (Nguyên Ngọc)

Cách thị xã Kontum không xa, về phía thượng nguồn và ở bên kia sông Dak Bla, có một làng Ba Na rất đẹp, một trong những làng cổ hiếm hoi còn lại ở Tây nguyên bây giờ: làng Dak Rơwa.

Làng nhỏ, nằm vắt vẻo trên một gành đá, nhìn xuống sông ở đoạn này hẹp và khá xiết, toàn nhà sàn lợp tranh, trông chẳng có “qui hoạch” gì cả như các làng gọi là “định cư văn hóa mới” ngày nay, chỉ rải ra đấy một cách hết sức tự nhiên, cũng giống như tự nhiên, như rừng vậy, hỗn độn mà hài hòa, vừa kín đáo bàn tay khéo léo và thông minh của con người, lại vừa như không.

Đặc biệt ở đây còn có một nhà rông tuyệt vời, không cao lớn lắm nhưng thanh nhã, nhẹ nhàng, vừa thật vững chắc, tưởng từng tồn tại ở đấy từ thuở nảo thuở nào và còn tồn tại mãi với thời gian, với rừng (nếu rừng còn), vừa như bất cứ lúc nào cũng có thể cất cánh bay lên, tựa một cánh chim, và mất hút vào bầu trời Tây nguyên tháng ba xanh đến ngợp.

Có lần tôi được dự một lễ đâm trâu ở đấy, lễ đâm trâu thực của làng, chứ không phải kiểu lễ hội do Nhà nước tổ chức cho khách du lịch, tức lễ hội giả, nhan nhản bây giờ mà, xin lỗi, có mời tôi cũng chẳng hề muốn đến. Hôm ấy, tình cờ tôi được chứng kiến một chuyện nhỏ mà thú vị.

Trong đám người tò mò đến xem lễ có một đôi vợ chồng Tây balô. Hỏi ra, là người Thụy Sĩ và nói tốt tiếng Pháp. Họ bảo họ đến Sài Gòn, mua một chiếc xe máy, loại mô kích của Nga, rất bụi mà rất khỏe, và cứ thế đèo nhau rong ruổi khắp cao nguyên mênh mông, từ Nam đến Bắc, rồi xuống Đà Nẵng sẽ bán lại. Họ có đưa cho tôi một tấm danh thiếp, thì ra là một đôi vợ chồng triệu phú và quí phái, địa chỉ của họ là một lâu đài đâu đó gần Bernes. Tôi có chụp ảnh hai anh chị, gửi cho họ theo đúng địa chỉ ấy và nhận được hồi âm, tức cái danh thiếp ấy không hề giả.

Buổi trưa, ông già làng mời chúng tôi ăn cơm ở nhà ông và tôi đề nghị ông mời cả hai anh chị ấy. Hai anh chị mừng lắm, cảm ơn tôi mãi, bảo đối với họ quả là một hạnh phúc lớn quá, đến bất ngờ.

Chúng tôi ngồi quanh bếp, và cũng như ở bất cứ cái bếp nào trong một nhà sàn Tây nguyên, cạnh bếp bao giờ cũng có một cái giàn treo bằng tre, trên đó thường đặt những quả bầu đựng nước. Hai anh chị Tây balô của tôi khá tinh: họ nhận ra trong đám bầu trên cái giàn treo ấy có một quả hết sức độc đáo, tuyệt đẹp.

Trên lớp vỏ bầu, bọn trẻ con trong nhà đã nghịch ngợm lấy lá cây cắt ra từng sợi dài, dán lên đó, rồi đem quả bầu hơ khói, xong lại gỡ các sợi lá ra, tạo thành một bức tranh nguệch ngoạc những đường ngang dọc chồng lên nhau, màu trắng nhờ trên nền vỏ bầu ám khói: một họa phẩm trừu tượng kỳ lạ và tuyệt vời, có lẽ đến Picasso cũng chỉ tài hoa được đến thế. Hai anh chị lén chỉ cho nhau và không giấu được nỗi thèm có vẻ mỗi lúc càng không kìm lại được... Cuối cùng chị ấy ghé tai tôi, nói nhỏ:

- Tôi hết sức xin lỗi anh, tôi muốn nhờ anh một việc, không biết anh có thể giúp chúng tôi được không... Nhờ anh hỏi hộ ông chủ nhà... cái quả bầu trên kia kìa, cái quả bầu rất lạ đó... ông ấy có thể... bán cho chúng tôi được không?... Anh xin lỗi hộ chúng tôi trước khi hỏi nhé...

Tôi đã hỏi ông chủ nhà - cũng là già làng Dak Rơwa - hộ họ. Thật bất ngờ, ông chủ nhà, dửng dưng như không, bảo:

- Không, không bán!

Hai anh chị đã sững người vì thất vọng, có thể cả vì xấu hổ nữa, hình như họ nghĩ họ đã làm một điều thất thố lớn lắm, vô tình xâm phạm vào một điều kiêng kỵ nào đó mà họ không hề được biết... Im lặng một lát, rồi ông chủ nhà lại nói tiếp, vẫn thản nhiên như không:
- Không bán... chỉ cho thôi. Thích, xin, thì cho!

Bây giờ thì đôi vợ chồng quí phái Thụy Sĩ thật sự sửng sốt. Họ như không còn tin ở tai mình nữa.

Ông chủ nhà chậm rãi đứng dậy, cầm quả bầu từ trên giàn tre xuống. Quả thật nó đẹp đến mê hồn. Hai anh chị lập cập đứng dậy. Chị vợ gần như cúi gập cả người xuống, run run đưa tay ra đỡ lấy quả bầu. Chị đã cầm được quả bầu. Nhưng thật bất ngờ, ông chủ nhà bỗng giật lấy lại:

- Không, không, chưa được!
Ngay cả chúng tôi cũng sửng sốt. Chuyện gì đây? Chúng tôi đã lại phạm phải điều thất thố gì chăng?

Không nói không rằng, ông già đưa tay gỡ lấy cái nút trên miệng quả bầu vứt đi: đấy là một cái nút quấn bằng nilông. Rồi ông lấy từ trên sàn treo một mảnh lá chuối khô, chậm rãi cuốn thành một cái nút thật khéo, thật chặt, cắm vào miệng quả bầu. Bây giờ ông mới trao hẳn nó cho chị Thụy Sĩ:

- Phải thế này này. Thế này mới đúng là quả bầu Ba Na!...

Không còn biết nói thế nào nữa về niềm sung sướng và cảm phục của hai vợ chồng nọ. Và tất nhiên của tất cả chúng tôi...
Tối hôm đó chúng tôi ở lại trong làng, cùng dự đêm xoan bên đống lửa trước nhà rông với đám trai gái Ba Na. Hai vợ chồng Thụy Sĩ không ngớt cảm ơn tôi. Và họ kể với tôi rằng họ là những người say mê các nền văn hóa của các dân tộc thiểu số trên thế giới.

Họ đã dắt nhau sang tận Uganda và tổ chức lễ cưới nhau tại đấy, theo phong tục của thổ dân một bộ tộc ở Uganda. Họ cũng kể với tôi rằng có lần họ đến Indonesia, sống một thời gian cùng một bộ tộc trên một hòn đảo nhỏ ở đất nước nghìn đảo ấy.

Và ở đấy họ được biết một tục lệ rất đặc biệt: khi có người chết, người ta giữ thi hài thường đến hàng tuần để chờ tất cả người thân và bạn bè đến viếng, trước khi mai táng. Để cho thi hài được nguyên vẹn, người ta lấy lá chuối đắp kín lên. Lá chuối, anh thấy không, anh chàng Thụy Sĩ bảo tôi, chứ không phải nilông như những người hiện đại ngu dốt chúng ta... Vậy mà chúng ta cứ muốn đến đây để dạy dỗ họ về nền văn minh của mình!

Còn tôi, tôi nhớ mãi câu nói cứ thản nhiên như không của ông già Ba Na ở trong núi sâu nọ: “Không, không bán... nhưng mà cho. Thích thì cho!”, và cái cử chỉ cũng thản nhiên của ông gỡ cái nút nilông xấu xí kia vứt đi, và cẩn thận quấn một cái nút bằng lá chuối khô cho quả bầu tuyệt tác của các con ông, mà ông đã rộng lượng đem tặng hai vợ chồng Tây balô nọ; cũng là tặng tất cả chúng ta, một tuyệt tác, một bài học nữa, bài học thấm thía về sự hiền minh bất tận của rừng mà, buồn thay, chúng ta hằng ngày đang ra tay tàn phá không thương tiếc.

Ở các làng quê của chúng ta cũng vậy, các bạn nhớ không, các bà các chị vẫn gói thịt trong lá chuối. Hóa ra khắp thế giới, từ xa xưa con người đã biết được cái chất kháng sinh tuyệt diệu mà thiên nhiên đã gửi cho con người trong lá chuối... Còn chúng ta bây giờ thì chúng ta đang điên đầu lên vì bài toán đến nay vẫn không có lời giải: làm thế nào đây với khối chất thải nilông khổng lồ mà nhân loại văn minh đã chất đầy lên Trái đất khốn khổ này?

Nhà văn Nguyên Ngọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét