Lên chuyến tàu đêm tại ga Mương Mán.
Ngủ. Nằm như mắm. Chỉ có ngủ mới quên đi 21 tiếng đồng hồ di chuyển.
Hy vọng sau này ngành tàu lửa dẹp bỏ ghế cứng, phòng quạt để người Việt được làm "người" trong hành trình Bắc Nam. Bữa ăn và chai nước định kỳ ngày xưa không còn. Cho dù bạn đi từ ga đầu tiên tới ga cuối, người ta chỉ cho một chai nước nhỏ xíu. Tới bữa ăn bạn phải mua một phiếu tên là "phiếu ăn phụ" với giá 25.000, còn không thì nhịn.
Tới ga lớn, bạn sẽ ít bị chèo kéo hàng rong như ngày xưa. Nhưng, suốt hành trình, bạn sẽ được" hàng rong chính hãng" của nhà tàu rêu rao khắp. Tiền càng nhiều càng ít mà! Xót thương cho lòng tham con người ta.
Kẻ an phận, chỉ biết làm thinh "Thôi thì, lâu thiệt lâu mới đi một lần, trách chi!" Nhưng có biết là tàu khi nào cũng kín chỗ!
Người Việt mình cầu an, im tiếng để cho con đường sắt độc nhất này nó lột. Còn Đạt, chỉ biết thốt lên "khốn nạn!"
Chỉ mỗi một con đường mà lắm tuyến, ai muốn đi nhanh phải trả tiền nhiều. Kẻ giàu được ngồi êm chạy nhanh. Kẻ nghèo nằm ngủ trên sàn cho chổi lướt qua mặt, lại phải nằm chờ tàu nhanh vượt qua. Xã hội chủ nghĩa!
Nhưng cứ đi rồi sẽ tới.
=======
Đất Cam Lộ không khác gì cách đây 4 năm mình đến.
Ở đây còn hai người em và một người anh của ông nội mình. Tất cả đều từ 85 tới 90 tuổi.
Ngày đầu tiên đi thăm cả thảy họ hàng. Dây nhợ dài và nhiều nhánh quá, nhớ không hết được.
Thăm mộ bà nội, ông bà cố cũng các thành viên dòng tộc khác. Con đường ra nghĩa trang có băng qua một cánh đồng, nơi đó còn dấu tích những hố bom nay thành ao nước.
Ở đây, vùng đất của chiến tranh, của bom đạn. Nhắc đến chiến tranh, phải nhớ tới Quảng Trị, phải nhớ tới Khe Sanh, làng Vây, chiến dịch Lam Sơn 719, đường 9, thành cổ,...
Thật sự mà nói, mình không dám cầm cuốc đi múc lung tung trong vườn. Mình chẳng tin là bom đạn đã được lấy đi hết.
Cu Đót vừa đào trùn vừa nói chơi "Có khi nào nghe cái đoàng, xong phim..!" Nguy cơ này là có thật! Cách đây một năm, nhà ông đào đất làm buồng tắm, moi được trái bom bi rỉ...
Thằng cu còn nói, lâu lâu nghe cái "Đùng" to tướng vang lên ở đâu đó, ngồi ở nhà kêu lên "Rồi, có người chết, mà không chết cũng đứt tay đứt chân". Sợ chưa!
Có điều đất đai ven sông đây rất tốt, trồng cây cối um tùm cả.
Về đây ăn trái cây mệt nghỉ. Nhứt là chuối, kế là mít.
Về bốn ngày, mình tắm sông được 2 bữa. Ở đây người lớn rất sợ cho con nít và thanh niên tắm sông. Sông ở đây có nhiều sỏi và đá cuội. Người ta khai thác và tạo nên lỗ hổng dưới đáy, khiến nó nguy hiểm hơn ngày xưa xa lắc kia.
Thế nhưng con sông này có sức hút mê hồn ở chỗ: nước rất trong, đáy nhiều đá cuội, và thủy sinh mọc dày từng đám. Trước sức hút đó, mình và cu Đót hạ hai cây chuối, chặt ba khúc, xếp lại và xiên tre hai đầu thành cái bè. Hai thằng lén khiêng ba khúc chuối băng hàng rào ra sông.
Đem máy ảnh ra bỏ trên bè chuối để quay cảnh nhí nhố, ai dè hết pin. Bực không chịu được, vì đây là buổi tắm cuối của mình.
Cây thủy sinh ở đây đung đưa trong làn nước trong vắt. Cái màu xanh uyển chuyển trong nước kia sao mà đẹp. Tựa như bơi trong hồ cá khổng lồ. Giữa lòng sông nhô lên nhiều cồn đất nhỏ xíu, trên đó cỏ mọc xanh rì.
Tắm trong không gian rộng lớn. Gần bên là cỏ lả lướt. Dưới nước, rong mát xa đùi, đá cuội mát xa lòng bàn chân. Nắng chiều xuyên qua nước, từng vệt thẳng mờ gãy khúc.
Dưới xa kia, nơi chân cầu Đuồi là xóm chài với những con đò có vòng nan che chở cho người. Nó hệt như tranh vẽ, như những gì ngày xưa mình thấy trong sách khi nói về sông nước miền Trung.
Mình hối hận vì bỏ lỡ khoảnh khắc hoàng hôn trên xóm chài, trên sông Hiếu uốn quanh, và xa kia là dãy Trường Sơn. Tại sao mình không chụp trong những ngày trước, để bây giờ tiếc nuối với cục pin hết điện?
======
Đi chơi.
Cả xùm thuê xe 12 chỗ phi lên cửa khẩu Lao Bảo. Đi cho biết thế nào là Khe Sanh. Biết thế nào là Trường Sơn, biết thế nào là ...chiến tranh đường 9.
Thế là mình đã được lòng vòng trên đường hướng về phía tây, nơi có dòng Sêpôn đang chảy. Không thể bỏ qua sân bay Tà Cơn, một cứ điểm của quân Mỹ tại Khe Sanh - chiến trường ác liệt, là cối xay thịt.
Mr Đạt đang đứng cạnh khẩu pháo 155mm của Mỹ. Người Mỹ rất giỏi về kỹ thuật, cái đó không còn gì bàn cãi. Tiếc là họ sử dụng năng lực đó khá nhiều cho chiến tranh, giết chóc.
"Chuẩn bị, BẮNNNN~~~~~~!"
Căn cứ Tà Cơn rất lớn. Nó là điểm mà quân Mỹ chấp nhận đổ máu để giữ vị trí chiến lược. Mình không hiểu rõ ngọn nguồn về lịch sử chiến tranh, về chiến lược này nọ, nhưng cảm được sự ác liệt của nó qua phim tài liệu, và nhất là những chứng tích nhỏ nhoi còn lại của nó. Chả trách gì từ "Khe Sanh" có trong bản tuyên nhậm chức của Obama.
Trong bảo tàng Khe Sanh, súng đạn, tranh ảnh lưu lại khá đa dạng. Không biết những khẩu súng, máy bay, xe tăng, khẩu pháo ở đây đã chính nó giết bao nhiêu con người. Nó hiện hữu đó, nhưng nhiều người đã chết.
Khe Sanh, làng Vây giờ đã xanh một màu cây. Nơi đó, con cháu của những chiến sĩ Pako, Vân Kiều vẫn vác gùi và đi trên vùng đất một thời đẫm máu.
=======
Đường 9 chỉ thẳng Lao Bảo. Mình có thể thấy được cầu Đăckrông nối đường 9 với đường mòn Hồ chí Minh huyền thoại.
Tiếp đến là trại tù Lao Bảo, một di tích của thời thực dân Pháp. Ở đây, nhà tù chỉ còn một đống bê tông đổ nát nằm kế bên vài hố bom Mỹ, dưới rừng cây ngô đồng gai góc.
Nơi đây từng giam giữ những nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Nguyễn Tư Chương,...Tiếc là chứng tích không còn nguyên vẹn để giữ được hồn lịch sử.
Chỉ còn bóng dáng cây ngô đồng cao lừng lững, gai góc độc nhất vô nhị.Con đường xuyên Á hay hành lang kinh tế Đông Tây này được kỳ vọng sẽ đem tới một sinh khí mới trong tương lai. Người ta đã đầu tư rất nhiều cho kinh tế cửa khẩu. Siêu thị mọc lên rất nhiều, nào là Thiên Niên Kỷ, nào là trung tâm thương mại Đông Nam Á, và cả một cái khu rất rộng lớn của Trung Quốc đầu tư nhưng chả thấy bóng dáng ai (sao ở đâu cũng có bàn tay Trung Hoa nhỉ!). Không khí mua bán khá mờ nhạt, khách ít hơn nhân viên.
Bán toàn rượu ngoại, mỹ phẩm, kẹo sô cô la Mỹ, thực phẩm nước ngoài. Chả khác gì siêu thị miễn thuế Mộc Bài.
Thấy phiêu phiêu làm sao cái mớ siêu thị nằm giữa Trường Sơn này.
Lên cửa khẩu, cốt để hít được gió Lào nguyên chất.
=======
Xe đổ dốc về phía Đông về thị xã Đông Hà, quẹo lên đường Hồ Chí Minh, phi thẳng hướng bắc đến nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Mình tới đây lần hai. Thắp vài cây hương nơi tượng đài và thăm khu liệt sĩ vô danh.
10.600 mộ. Con số chẳng thấm gì so với số người chết nơi biển lửa Quảng Trị. Ngày xưa, hành quân vượt Trường Sơn từ Bắc vào Nam, rất nhiều con người trẻ tuổi ngã xuống nơi đất lửa này. Trên bia, cứ mãi năm sinh 1943 và hy sinh 1968 cho tới 1973...
========
Chuyện người già.
Ra mới thấy con người ở đây lạc quan lắm. Các cụ ngồi nói tới cái chết một cách vui vẻ. Ở cái tuổi này, các cụ cũng biết bản thân sẽ "lên đường" lúc nào chả hay. Với đôi mắt sáng và giọng nói sang sảng, ông nội bác ông nội chú thản nhiên bàn về cái nơi mình sẽ "nằm", cái nghi thức khi mình chết.
Có vẻ như họ đã sẵn sàng ra đi nhẹ nhõm, chẳng chút gì quyến luyến. Thế đấy, khi già con người ta sẽ cảm thấy cuộc sống là quá đủ.
Ông mở cuốn sổ tay ghi chép ra cho các cháu coi. Trong đó gói gọn cả cuộc đời, cả thanh xuân, cả tình yêu, biến cố, và cảm nhận cuối đời. Thời trẻ ai cũng đẹp, cũng dấn thân. Thấy vậy, mình cũng muốn được già ...5 phút coi ra răng. Mình tự hỏi, có khi nào tận trong sâu xa, người già sợ phải chia xa con cháu và mái nhà khi nhắm mắt?
Đêm cuối cùng, mình nằm suy nghĩ bâng quơ. Chắc ông cũng đang nghĩ điều gì đó, về một cái gì đó "cuối cùng". 10 h tối, điện thoại từ Hà Nội báo tin về người bạn tên Nhân của ông vừa mất. Người bạn ấy cùng tuổi, ngày xưa là đồng nghiệp. Có vẻ hơi dồn dập trong tâm tưởng trước giấc ngủ đêm nay chăng?
Mình mệt mỏi sau một ngày đi chơi, ăn uống nhiều. Gió đêm cứ thổi rì rào miết mà không hề lạnh. Ngó ra cửa sổ, lá chuối đung đưa mờ mờ trong đêm trăng rằm. Khung cảnh miền quê thật thích! ..zzzz...
Ngẫm ra. Cứ đi rồi sẽ tới. Chỉ cần ta phải thật sự tự do.
========
Sang năm mình quyết tâm ra đây lại, mục tiêu chinh phục Phong Nha - Kẻ Bàng sau 100 km đường HCM. Sau đó, ta sẽ nhào ra Huế, bắt thằng em dẫn đi chơi sông Hương (nhìn trên tàu thấy ven bờ sông Hương rất đẹp). Tiếp nữa, mình ngâm ở Đà Nẵng ít nhất 2 ngày để bạn Hà dẫn đi thăm thú. Trời ạ, sao mình ghiền cảm giác được bo cua trên đèo Hải Vân và ven vịnh Lăng Cô quá.
Dưới đây là chuỗi hình ảnh về Đà Nẵng - Lăng Cô mà bạn Đạt thò ra chụp khi đang "xình xịch".
Tấm này tuyệt đẹp!
Nếu không vướng dây điện, mình sẽ có nhiều tấm hình ưng ý hơn. Đi trên tàu, chụp được thế là tốt rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét