TTO - Người cha trước khi lìa đời nói với hai con của mình: "Cả đời tao nói với hai đứa bây nhiều thứ, thế nhưng lại quên mất thứ quan trọng nhất…". Nói xong, ông mỉm cười nhắm mắt một cách an tường.
Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm... - Ảnh minh họa |
Câu chuyện người con cả
Anh sinh ra đã có nhiều nét ưu tú, thể chất tráng kiện, điển trai, khá thông minh lanh lợi. Cuộc sống trôi qua càng thể hiện những nét ưu tú đó. Đến tuổi thành niên, bằng vào năng lực của mình, anh xây dựng được sự nghiệp, cuộc sống không phải quá lo lắng về kinh tế.
Vợ anh là một cô gái tài năng, thời đi học thường đứng nhất nhì khoa, gia thế hiển hách, tuy không phải là hoa khôi nhưng cũng nổi danh ở trường. Để làm cô xuôi lòng, anh phải bỏ rất nhiều công sức theo đuổi, từ việc nghĩ ra nhiều tình huống lãng mạn đến những quan tâm chăm sóc ân cần. Và kết quả không phụ lòng khi anh vượt qua không biết bao nhiêu đối thủ để rước nàng về dinh.
Mọi chuyện gần như đang theo quỹ đạo thì những thay đổi bắt đầu. Đến bây giờ anh cũng không thể lý giải vì sao mọi chuyện lại thay đổi theo chiều hướng mà anh không thể nào kiểm soát. Thay đổi bắt đầu từ cuộc sống gia đình.
Anh không có gì không hài lòng với vợ, trừ việc cảm thấy cô là người khá lý tính.
Sau khi cưới, hai vợ chồng anh quyết định tạm thời chưa sinh con để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Vợ anh vừa đi làm cho một công ty Nhật, vừa được công ty đài thọ đi học thêm một bằng đại học về quản lý kinh tế trong hai năm.
Anh cũng không thua kém, được một công ty khá tiếng tăm nhận vào làm việc và cho đi tu nghiệp ở nước ngoài sáu tháng. Sau năm năm, cả hai cũng có trong tay một tài sản kha khá, từ nhà cửa, phương tiện đi lại tân thời, các khoản đầu tư dài hạn đảm bảo cho cuộc sống kinh tế tương lai. Lúc này hai vợ chồng anh quyết định có đứa con đầu lòng, thế nhưng sau khi con được một tuổi thì vợ anh áp lực anh để ly dị.
Một thời gian dài khủng hoảng mà không hiểu rõ lý do. Ngày anh đặt bút ký vào đơn cũng là ngày vợ anh đưa đứa con lên sân bay để sang Úc. Anh vẫn nhớ như in đoạn nói chuyện cuối cùng của hai người:
“Bây giờ em có thể cho anh biết rõ ràng mọi chuyện rồi chứ ?”!
Một cách rất nhẹ nhàng, vợ anh nói:
“Nói ra cũng phải xin lỗi anh và cũng cảm ơn anh. Thật sự em rất mệt mỏi với cuộc sống, cái chính là em không vừa ý với công việc, mà anh thì không chia sẻ được với em. Em gần như stress mà anh có biết gì đâu. Khi anh đi Mỹ sáu tháng, em cũng có qua Úc một tháng và gặp được anh ấy. Anh ấy cho em thấy một chân trời mới và một cuộc sống mới. Qua anh ta, em cũng đã bắt đầu làm việc cho một công ty tại Úc. Cách đây ba tháng, họ đề nghị em qua Úc làm việc chính thức, em cũng vừa mới hoàn tất mọi thủ tục. Đứa con này không liên quan gì đến anh cả”.
Trong lòng sôi máu, nhưng do bản tính, anh cũng chỉ quay đầu bước đi, để lại một câu rằng “Chúc em hạnh phúc”. Mọi chuyện kết thúc hết sức “nhẹ nhàng”.
Câu chuyện người con thứ
Người em không may mắn như anh mình. Anh hoàn tất đại học với một tấm bằng loại khá. Sau khi thất nghiệp một năm, anh được nhận vào một công ty tư nhân loại trung bình, cuộc sống không đến mức dư giả nhưng cũng tạm ổn. Rồi anh gặp chị trong một lần tham gia hoạt động tình nguyện vì trẻ mồ côi. Cùng với những chuyến đi, tình cảm hai người càng gắn bó sâu sắc.
Chị cũng là trẻ mồ côi. Sau hai năm hẹn hò cùng những chuyến đi, anh dẫn chị về giới thiệu với gia đình, bất chấp lời căn dặn của người cha về câu nói “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Vợ là trẻ mồ côi, lấy tông đâu mà xem. Cha anh mới đầu cũng không vui vẻ chấp nhận, nhưng nhờ mẹ anh và anh kiên trì thuyết phục, cũng nhờ tấm lòng của chị, rồi mọi chuyện cũng qua.
Đám cưới của hai người diễn ra giản dị, không đình đám, cũng được sự chứng kiến của họ nhà trai và bạn bè cùng các xơ quản lý viện mồ côi của cô dâu. Đêm tân hôn, chị chỉ nói với anh một câu duy nhất : “em cảm ơn anh”.
Chị chỉ là một cô giáo dạy tiểu học, vì thế ngoài căn nhà nhỏ bố mẹ anh cho, hai vợ chồng cũng không có tài sản gì lớn. Nhờ sự giúp đỡ của người anh, nhờ biết dành dụm tiết kiệm mà hai vợ chồng cũng có đầy đủ mọi thứ phục vụ cho sinh hoạt, tuy không quá sang trọng như gia đình của người anh. Mỗi lần nhìn gia đình của anh mình, anh thường nói xin lỗi vợ vì “không thể lo cho vợ được như anh mong muốn, cho bằng với người khác”.
Chị chỉ cười, thường là bẹo hai tai anh và bỏ đi làm việc của mình. Hai người vẫn tiếp tục dành sức cho những chuyến đi tình nguyện lên vùng sâu vùng xa.
Ngày đứa con đầu lòng chào đời, sau khi tất tả với vợ, người em nhanh chóng ra sân bay với người anh để “hạn chế tình huống xấu nhất”.
Cuộc sống bình dị của hai vợ chồng người em cứ thế trôi qua, rồi người em cũng chứng kiến anh mình lấy vợ mới, lần này cũng là một cô gái mồ côi. Tuy nhiên, một đôi lúc ngồi hàn huyên trà dư tửu hậu, người em vẫn thường nghe anh mình nói rằng “tao vậy mà không bằng mày”.
Lời của người cha
Ngày vợ mất, lúc nhìn hai con ngồi canh quan tài, người đàn ông ở tuổi 70 trầm lặng với chính mình:
"Sống với mẹ bây bao nhiêu năm trời, ngày bả mất tao mới hiểu được giá trị của bả. Ông bà mình có câu nữ nhi phải có “tứ đức”, vậy mà lúc bả mất tao mới hiểu. Mẹ bây gia thế cũng thuộc loại tốt, tài năng cũng không thua ai, nhan sắc hồi trẻ thì không thể chê được, nhưng mà cho đến bây giờ giá trị của bả trong người tao lại không phải ở mấy cái thứ vặt vãnh đó. Thằng hai, mày vậy mà lại có phúc".
HOA XUÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét