Siêu thị có quầy bán đồ lặt vặt linh tinh như bàn chải, chùi chân, đồ quét rác. Lục lọi trong mớ đó, thấy chúng xuất xứ chủ yếu từ bốn nước: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật, Thái.
Đồ của Nhật mắc khỏi phải nói. Nhưng chúng rất trang nhã và tinh xảo. Chắc độ tốt của nó cũng miễn phải bàn. Đồ Thái Lan thiết kế khá sáng tạo. Đồ Trung Quốc đa dạng, cái gì cũng có, kiểu nào cũng chiều, có điều xài mau hư.
Còn đồ Việt Nam, lai lai, xù xì, mẫu mã hình như từ thập niên 90 cho tới nay không cải tiến. Nhứt là đồ nhựa.
Yêu nước, xài đồ Việt. Nhưng nhà sản xuất Việt lại không thương người Việt, lại lười biếng sáng tạo. Ai nói người Việt sáng tạo? Chỉ toàn ba cái lặt vặt. Thông minh thì có đó, tiếc cái không nhìn xa được.
Mình mua cái đồ hốt rác. Nhựa Tân Lập. Về, kê xuống sàn quét, bụi đất lòn xuống dưới chạy ra sau hết. Vì cái lưỡi nó chênh tới 2mm so với mặt sàn. Thế đấy, người ta chỉ quan tâm là làm ra cái thứ có hình thù đồ quét rác. Người ta chả quan tâm tính nhân bản trong thiết kế: cán ngắn củn - phải khom lưng, hốt rác phải lua đi lua lại cả chục lần mới hết được.
Báo hại mình phải lấy hộp quẹt hơ và uốn lại.
Hình như cái dân Việt mình, hễ làm thấy chút tiền là mừng. Và cứ làm miết y chang thế. Với lại xấu chi cũng có người mua. Tư tưởng đủ sống nên sản phẩm Việt Nam nó thảm như vậy.
Mình chê một cách rõ ràng như vậy. Không phải cứ mua đồ Việt là yêu nước. Mà phải vừa yêu nước và yêu chính mình bằng cách mua đồ tốt.
Có một điều đơn giản mà ít ai làm được, đó là coi khách hàng như chính mình. Hãy hình dung mình sử dụng nó và cảm nhận như thế nào. Còn kiểu "bán phứt xong là hết trách nhiệm" thì nhan nhản. Người ta hại chính nhau bằng lối suy nghĩ đó. Xong, than khổ, trách người.
Cái Tâm nó quan trọng, và hiếm nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét