Trước khi bước vào thời gian thực tập (tháng 6/2006), nhóm bạn của Mr bắt xe lên thăm nhà cu Đức tuột Đăk Song - Đăk Nông.
Dừng chân ăn trưa
Chuyến xe xuyên trưa trên đường 14. Lên tới thị trấn Gia Nghĩa, không khí se lạnh, mình mới bắt đầu tỉnh (tại sao bất tỉnh, chắc anh em hiểu). Vẫn còn nhớ tới bây giờ khoảnh khắc nắng chiều chiếu xuyên qua rặng thông, để vệt trên con đường nhựa nhỏ. Rừng thông trên đường từ Gia Nghĩa về Đăk Song rất đẹp.
Nhà cu Đức nằm mặt tiền...quốc Lộ 14. Bây giờ đã xây lại, chớ lúc đó chỉ là căn nhà xây tạm vì mới dời tới ở. Đêm đầu tiên rất lạnh, cái lạnh cao nguyên mà lần đầu mình cảm nhận. Tối đó, sau bữa cơm gia đình đông đúc, mọi người nghỉ mệt, và nghe lời hứa từ ba Đức: "Mai các con ra rẫy chơi"
Sáng dậy không nổi vì lạnh, cuốn chăn như kén tằm.
Mọi người xúm lại chụp pô hình kỷ niệm. Ủa, thằng Quốc Anh đâu ta? Ah, nó bận chụp hình, hèn chi.
Đây đây, các cháu sẽ đi bằng xe...công nông.
Xe từ quốc lộ rẽ vào rẫy, gặp ngay cái đồi dốc ...bà thím. Mang tiếng đi xe chớ đi bộ phần nhiều, chớ không xe nó tuột chạy lui thì sao. Bởi vậy trên xe chỉ còn phụ nữ.
Sướng chưa! (phía sau đẩy xí mẹ lun)
Trập trùng đồi núi.
Uốn lượn thả dốc trên sườn đồi, tuôn qua bạt ngàn bí rợ, rau, bắp. Đất rừng mới khai hoang, phì nhiêu vô tả. Điểm tập kết là căn nhà tạm trên lưng chừng đồi.
Chưa kịp nghỉ, nghe Quốc Anh la lên "Ê, Đạt, Cường, phụ tau bắt rắn, con rắn to bà thím!" Rượt rầm rầm. Hắn chạy theo rắn, mình chạy theo hắn, Cường chạy theo mình. Cuối cùng, hỏi "Được không? Rắn mô?". Hắn cười hè hè, đổ mồ hôi hột, tay cầm cái cây dài, đổi hướng lãng xẹt "Ê, Hoàng, chụp tau pô coi". Ha ha!
Trong lúc tụi nó lui cui đi quanh nhà, mình lang thang lọt vô đám rừng trên đỉnh. Lần theo dấu đường mòn, hai bên cây cổ thụ còn kha khá, lan vắt vẻo trên cao. Lần đầu tiên thấy rừng là thế nào, và lần đầu được thấy phong lan thiên nhiên. Thế là cởi xăng-đan, leo lên cao hái cho được mấy nhánh, hái rồi mới biết lan ..."cùi". Bu trên cao, chợt nghĩ, lỡ mình té cái bịch chắc chả ai biết, mà chả biết tìm đâu trong mớ bụi rậm dây leo nì.
Thỏa mãn, về lại căn nhà để dẫn đầu băng nhóm đi chơi. Anh Đạt cầm cái gậy tre, tay cầm dao phay đi đầu mở đường. Lủi đại vào một mảng rừng, dây nhợ giăng như nhện, tối thui. Cả bầy dân thành phố đi sau, nói chuyện rôm rả như đi chợ, đâu biết ta phải vất vả chặt dây leo mở lối đi.
Đi tới miết, rừng càng lúc càng âm u, muỗi kiến vo ve. Lát sau mới biết đi ...lạc. Ừ, cố tình đi lạc mà. Ha ha! Nghĩ tới cảnh thoát đi lui thì chán quá, vì chặng đường đã qua có nhiều cây to ngã cản đường, leo qua là một việc khó khăn.
Lúc đám chợ phía sau không đi tới được, dồn ứ, mới hỏi tại sao hông đi nữa. Trả lời là người cầm đầu cũng chẳng biết đang đi đâu, hơ hơ.
Mr Đạt đành leo lên cây cao, hòng tìm lối thoát gần nhất. Phù, có đường mòn cách đây 30 mét, nhưng qua đó trập trùng dây gai kín mít, cao quá đầu. Đâu đứa nào ngờ đoạn cuối này lại "máu me" nhiều. Em Bình bị thương...Đứa đứng lo lắng, đứa đứng cười. Đó, nhìn hình thấy chống nạnh thật bi hài, nhăn nhở.
Không sao, em nó đã bình phục, chống gậy theo đoàn để còn khám phá tiếp. Lần này không chơi ngu lủi vô bụi rậm nữa. Phải chọn đám nào có nhiều cây to. Đây, cây cổ thụ chà bá.
Em Duyên đóng kịch "Cây nuốt em, cứu dzới cứu dzới!".
Chuyến này mình có nhiều cái "lần đầu". Gặp cái cây to ngút mắt, cánh rễ to như cái giường, biểu sao mà không tò mò nhảy nhót. Công nhận, mấy khuôn mặt nhìn dễ thương vô tư quá.
Rời cánh rừng đỉnh đổi, cả bọn xuôi xuống vùng trũng. Lội nước suối, phá phách như khỉ. Trong hình, từ trái qua: Kim Duyên, Mỹ An, Kim Hoàng, Vĩnh Đạt, Minh Đức.
Trở về nhà khi trời đứng nắng, cũng may mắn là trời mây. Mấy thằng con trai xúm xít bên cái giếng. Mình chỉ nhớ, khi nhìn xuống đáy chỉ thấy mặt nước to bằng cái dĩa lấp loáng, tức là rất sâu. Kéo hoài kéo mãi mới lấy được gàu nước lên, mát lạnh và trong vắt!
Buổi trưa ăn với món cá, no nê. Anh em hè nhau tỉa mấy khúc mía rồi lên tấm phản mà giỡn. Mình chọc Như Bình, bả mắc cỡ, báo hại cả nhóm cười rần, chả ngủ gì sất . Bây giờ mà nó mắc cỡ kiểu đó thì tui đâm đầu xuống đất.
Chiều xuống, các bạn lại tạo dáng trước ống kính, làm vài pô chào tạm biệt núi đồi. Đâu phải ai cũng có dịp quay lại lần hai ở nơi xa xôi này. Hen!
Bốn đực rựa. Cu Đạt với mớ chiến lợi phẩm. Cây lan đó nở bông màu vàng, hoa nhỏ nhưng thơm. Chính vì nó thơm mới bị Mr phát hiện và hái. Trồng 4 năm nay hổng thấy ra...bông chi hết. Chắc nó hông thích khí hậu đồng bằng.
Í quên, không thể rời rẫy tay không. Mọi người ùa ra sườn đồi trồng đậu, hái lấy hái để. Đậu còn xanh, đem luộc hoặc hấp, ăn bùi bùi thơm thơm.
Trong lúc chờ chúng nó tắm, mình và Quốc Anh luồn xuống rẫy cà phê sau nhà, ngồi chùm hum câu cá bên cái ao lớn. Mình may mắn móc được em cá chép hơn 3 lạng. Mất hồn vì con cá to, cứ nghĩ là cá người ta nuôi nên hai thằng chuồn mất. Về mới biết là câu thoải mái. Tức thiệt!
Bữa cơm tối ngon lành vì một ngày mất năng lượng. Tối đó có trăng, cả nhóm ra bãi đất bên nhà đàn hát. Sương đêm ở cao nguyên xuống rất dày. Dưới ánh trăng chút mờ mây, tiếng đờn của Đức trở nên hấp dẫn hơn hết. Đứa nào cũng lạnh run vì sương, mặc dù có đống lửa to đùng để nướng bắp bên cạnh. Đứng trên đồi cao, nhìn xa trong đêm sáng trời, không gian trập trùng mờ ảo. Phải chi hoa cà phê nở đúng lúc này, tụi mình đã được thấy thung lũng trắng trong đêm.
Bắp của Như Bình nướng...đen thui vì cãi lời ta. Trái bắp như hàm răng đen của mấy cụ già miền Trung hồi xưa. Đậu luộc dọn ra cả đống, nhưng vì vui và lo giỡn nên chẳng thiết ăn.
Trước khi đi ngủ, thấy ba Đức rít thuốc lào mà mê, phả khói như tàu lửa. Mình mon men lấy một nhúm nhỏ, đốt, hít cái rột, hai mắt quáng gà, khói lên tới óc.
Tối đó ngủ rất ngon.
Sáng ngày hôm sau, tay Đức chẳng biết dẫn đi mô nữa, bèn bắt cả đám đi bộ rã chân ra cái hồ thủy lợi chơi. Trời đất ơi, đi bộ chỉ để ra cái hồ ngắm cây chết đứng giữa lòng hồ. Đó cũng là lần đầu mình đi bộ quãng đường xa như rứa. Dã man.
Cuộc chơi kết thúc. 4h chiều mọi người chào tạm biệt gia đình, đứng ven quốc lộ 14 đón xe về bến Miền Đông. Tài xế chạy như bay, trong cơn tỉnh mê, mình thấy giống như đi ...thú nhún. 9h tối, mọi người đường ai nấy về, hết chào nhau nổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét