7.4.12

Trường Sa, Hoàng Sa


Nằm coi tivi, thấy chiếu về đời sống của các chiến sĩ Trường Sa, ở đảo Thuyền Chài, Đá Lát, ...

Bàn tán...

Mình mở máy tính, lấy đoạn phim này cho ba coi. 

Lần đầu mình xem, thấy xót lắm. 

Tối hôm sau, ăn cơm, ba nói "hôm qua coi đoạn phim, tối ba ngủ mà ám ảnh".

Thế hệ sau chiến tranh như mình, anh chị, và các bạn đều không hề biết đến tiếng nổ của súng, bom, mìn, cái chết trong cuộc chiến. Xem súng bắn, những người lính ngã xuống đó, biết đó, tức đó, rồi quên.

Riêng những người như ba, chứng nghiệm một thời khốc liệt, nay thấy những người đang chìm chân dưới nước đang ngã gục dưới làn đạn, nỗi ám ảnh của ba.... mình hiểu được, nhưng không hình dung được.

13/4/1988, rất nhiều người con nước Việt nát mình và mất tích trên đảo chìm Gạc Ma. Họ bị coi rẻ như những chú chim sẻ trước họng súng hơi. Vì cái gì? Vì đất, nước của quê hương. Đảo vẫn mất. Chịu thôi, đó là vấn đề thực lực quân sự. 

Gạc Ma ngày đó chẳng còn gì ngoài giá trị tinh thần - sự hy sinh của những người lính, lớn lao vô kể. Hãy đặt mình vào những bóng đen lẫn trong mặt nước tung tóe đạn. Các chú, các anh ấy có cha có mẹ, có vợ con, có một gia đình, có một đất liền rộng lớn. Nhưng chết chôn chân dưới nước, và thân thể không một mảnh trở về. 

Thế mà, "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" rêu rao suốt mấy chục năm, thế hệ thanh niên  nhờ internet mới biết Hoàng Sa bị chiếm hẳn từ lâu (1974), Trường Sa một thời đẫm máu và đang bị phân chia. 

Dân bị khinh, mọi chuyện đã có Đảng lo, rồi "im". 

Để rồi, một ngày phát hiện lòng dân sôi sục. Mọi thứ vỡ ra, trễ mất rồi, và bắt đầu "tuyên truyền biển đảo" với băng rôn - loa phường. Quá trễ nên trở thành trò giả dối!

Để rồi, 24 năm sau, một người già ám ảnh về cái chết ở Gạc Ma. Giờ mới biết! Thế bao nhiêu người chưa biết? Nhiều lắm! 

Biển của ai? Đảo của ai? Biển Đông của ai? Cho đến bây giờ, tin nóng biển Đông vẫn còn úp mở, báo chí thập thập thò thò. Sợ kích động đến lòng dân tộc!!! Ngẫm mà điên cả người.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét